1. Nem vuông cua bể
Đặc sản mà thực khách không thể bỏ qua ở Hải Phòng để cảm nhận hết vị mặn mòi và ngọt lành của biển là nem cua bể. Vẫn là công thức làm nem của người miền Bắc, nhưng nem cua bể có phần nhân chủ yếu là hải sản (như tôm, cua...), ngoài ra còn có thêm giá và miến
2. Bánh đa cua
Bánh đa cua có tại nhiều nơi nhưng không nơi nào ngon như ở Hải Phòng. Bởi thế, bánh đa cua được ví như “hơi thở” của vùng đất cảng.
Các nguyên liệu làm món ăn này rất đơn giản, quen thuộc của đồng bằng Bắc Bộ như cua đồng, bánh đa đỏ, rau muống, rau rút, lá lốt… Nét đặc biệt nhất của bánh đa cua Hải Phòng là đặc sản bánh đa đỏ.
Để làm ra bánh đa đỏ - ngoài sự kỳ công, kiên nhẫn còn cần dựa vào bí mật gia truyền. Những hạt gạo loại ngon được phơi già nắng, đem ngâm gạo vào nước trong vài canh giờ, rồi xay nhuyễn, đổ một lượng nước vừa đủ để tạo nên thứ bột sánh mịn, dẻo mềm.
3. Bánh mì cay
Những chiếc bánh mì chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, phần nhân là một lớp patê, tương ớt, rất giản dị, rẻ tiền nhưng đều khiến những người phương xa tới mê mẩn.
Để có patê ngon, phải chọn loại gan và thịt lợn tươi. Thịt lợn đem luộc và xay nhuyễn cùng gan rồi được hấp cách thủy khoảng 4 - 6 tiếng đồng hồ. Khi khách tới, người bán hàng thoăn thoắt xẻ dọc chiếc bánh bé xíu bằng hai ngón tay, quết vào ruột một lớp patê có dắt chút mỡ trắng mềm mịn.
Ngoài chút nhân là patê, người bán còn tra một chút tương ớt.
Bánh sau khi tra nhân, được nướng bằng bếp than, giòn và nóng hổi. Patê cùng lớp mỡ mềm mịn tan ra, tạo thành một mùi thơm rất quyến rũ cùng chút chí chương cay nồng với màu đỏ tươi bắt mắt.
4. Thạch găng
Những miếng thạch mềm mềm, xanh mướt, ăn cùng nước đường ngọt dịu sẽ cho cảm giác tan chảy nơi đầu lưỡi.
Thạch găng được làm từ lá cây găng rừng. Đây là loài cây thân gỗ, nhiều gai nhỏ, lá hơi tròn mọc thành bụi, thường có ở các vùng trung du phía Bắc. Cây lá găng có nhiều loại nhưng để chế biến thạch, người làm phải chọn những cành găng gai, lá hơi thuôn, nhọn, tù ở đầu.
Lá găng rừng mang về được phơi khô, bỏ hết gai sau đó rửa sạch. Lá để làm thạch phải chọn lá găng khô, khi vò thạch mới ngon và không có mùi hôi.
Sau đấy vò thật nhanh, khoảng 10-15 phút. Lá găng vò xong cho vào 1 tấm vải mềm, rồi đem lọc bằng nước đun sôi để nguội, vắt kiệt hết chất trong lá. Sau khi lọc xong, chờ trong vòng một tiếng để chúng lắng xuống là có thể thưởng thức.
5. Lẩu cua
Lẩu cua ở Hải Phòng, mà nhất là lẩu cua đồng cũng rất nổi tiếng. Sự đặc biệt nằm ở cách chế biến, khiến cho nồi lẩu ở đây mang hương vị không lẫn vào đâu được.
Nước dùng cực kỳ đậm vị, nhiều gạch và thịt cua. Ngoài các loại thịt, bạn còn có thể ăn lẩu với các loại hải sản tươi sống vì đây là thứ rất sẵn có ở Hải Phòng.
Ngoài hương vị thơm ngon, lẩu cua ở Hải Phòng còn được chú ý bởi mức giá rẻ hơn khá nhiều so với những nơi khác.
Là thành phố năng động và phát triển ở Việt Nam, Hải Phòng sẽ còn mang đến cho nền ẩm thực việt nhiều món ngon đặc sắc và hấp dẫn hơn nữa.